Người có kỹ năng ghi chép hiệu quả sẽ không chép mọi thứ “nhiệt tình” như một cái máy. Bên cạnh chép đủ, bạn cần trình bày nội dung ghi chép mạch lạc. Bạn đã có sự chuẩn bị tốt ở phần 1, giờ là lúc để tận dụng chúng và Edu2Review sẽ gợi ý đến bạn những phương pháp ghi chép hữu ích ngay sau đây.
Đi theo nhịp độ bài giảng của giảng viên
Mỗi giảng viên đều có phong cách và tốc độ giảng bài khác nhau, bạn cần thay đổi cách ghi chép cho phù hợp. Sự linh động chính là nền tảng của kỹ năng ghi chép hiệu quả. Ví dụ, với những môn học mà giáo viên giảng với tốc độ nhanh, bạn nên sử dụng nhiều ký tự viết tắt; hay với những môn nhiều kiến thức lý thuyết thì các loại bút đánh dấu sẽ giúp bạn dễ theo dõi nội dung hơn.
Để đảm bảo hiệu quả ghi chép thì bạn không nên sử dụng kỹ năng phản biện trong khi ghi chép. Nguyên nhân là nếu bạn dành thời gian suy nghĩ về vấn đề thì có thể bạn sẽ bỏ lỡ những kiến thức quan trọng khác. Nếu có một ý kiến nào đó mà bạn chưa hiểu hoặc vẫn chưa thỏa mãn với lời giải thích của thầy cô, hãy ghi chú và để dành câu hỏi cho cuối buổi hoặc hoặc thời gian nghỉ. Đừng để những suy nghĩ mâu thuẫn cản trở bạn tiếp thu những kiến thức mới, hãy cứ ghi nhận mọi thứ trước.
Nên để dành thắc mắc sau giờ học (Nguồn: ichef)
Lắng nghe chủ động và tập trung cao độ
Có rất nhiều phương pháp ghi chép trong đó có kỹ năng ghi chép Cornell đặc biệt đề cao tầm quan trọng của việc lắng nghe chủ động. Việc lắng nghe một cách có chọn lọc sẽ giúp bạn chủ động hơn trong việc ghi nhớ kiến thức.
Đi kèm với việc lắng nghe chủ động bạn cũng cần tập trung. Như đã nói ở phần 1, chúng ta có quá nhiều lý do để xao lãng bài học như bận “tám chuyện” với hội bạn thân, bài giảng nói tới một vấn đề mà bạn đã biết, hay giáo viên giảng bài thiếu hấp dẫn… Chỉ cần lơ đễnh một phút có thể bạn đã lệch nhịp bài học.
Để giải quyết vấn đề này, bạn cần nhớ lại nguyên tắc vừa nói ở phần đầu, hãy để dành những thắc mắc hay lơ đãng vào lúc khác, khi ở trong lớp việc học là quan trọng nhất và bạn cần ghi chép. Bạn có thể ghi chép bằng các từ khóa hoặc câu nói ngắn gọn để tóm lược nội dung. Nhưng lưu ý, cần đảm bảo là bạn sẽ nhớ cả những kiến thức xung quanh từ khóa, bằng không thì việc ghi chép sẽ không đạt được hiệu quả như mong muốn.
Chỉ cần lơ là một chút là bạn đã bỏ qua nhiều kiến thức cần thiết (Nguồn: insiderguides)
Đừng bỏ quên… ngày tháng
Không phải ngẫu nhiên mà từ nhỏ đi học thầy cô đã rèn cho bạn thói quen ghi ngày tháng trước mỗi đầu bài. Việc này thực tế là một mẹo ghi nhớ, khi ghi ngày tháng thì bạn sẽ dễ dàng “ghim” những sự kiện liên quan trong trí nhớ. Hiểu một cách đơn giản là bạn sẽ liên tưởng được những sự việc đã diễn ra ngày hôm đó, chẳng hạn như buổi học hôm đó giảng viên đã đưa ra những vấn đề nào, dẫn chứng thực tế ra sao.
Bên cạnh việc ghi ngày tháng, bạn cũng nên đánh số và sử dụng các ký hiệu đánh dấu cho từng phần trong chuỗi bài học để dễ đọc hơn và đừng quên ghi lại tiêu đề. Mặc dù có khi nội dung bài chỉ có vài dòng, việc ghi lại tựa sẽ giúp bạn biết những nội dung đó thuộc phần nào và nằm ở đâu trong tài liệu. Điều này giúp bạn theo dõi dễ dàng và bổ sung nhanh chóng các nội dung ghi chép nếu lỡ không theo kịp bài giảng của thầy giáo.
Ghi chú sạch sẽ nhưng đừng nắn nót
Có rất nhiều người cho rằng kỹ năng ghi chép hiệu quả là khi “vở sạch chữ đẹp”, mọi người sẽ phải trầm trồ vì cách trình bày khoa học và sạch đẹp của bạn… Thực tế những quan điểm này không sai nhưng việc quá đề cao chúng lại khiến bạn đi lệch khỏi mục tiêu ban đầu của mình: thay vì ghi chép để trau dồi kiến thức, mục tiêu của bạn là viết ra một cuốn sổ thật đẹp.
Ghi chép đủ và đúng luôn là ưu tiên hàng đầu (Nguồn: tumblr)
Hãy xác định rõ sổ ghi chép của mỗi người đều khác nhau, vì mỗi người đều có phong cách ghi chép riêng. Có thể chữ bạn không đẹp, bố cục có thể lung tung, nhưng quan trọng nhất là bạn phải viết rõ ràng, để ít nhất chính bạn sẽ đọc được chữ viết của mình. Điều quan trọng của kỹ năng ghi chép hiệu quả là phải đủ nội dung và dễ theo dõi.
Thêm một bí mật, nếu bắt đầu phần ghi chép của mình bằng một trang mới thì việc ghi chép sẽ dễ theo dõi hơn. Bạn có thể áp dụng cách này để ghi chép cho từng buổi học hoặc một chủ đề mới. Đừng quên ghi ngày tháng và chỉ ghi 1 mặt giấy để đảm bảo hiệu quả theo dõi và ghi nhớ kiến thức.
Không ghi chép một mình
Bạn không đi học một mình nên hãy dành thời gian để so sánh và đối chiếu với phần ghi chép của các bạn cùng lớp. Điều này sẽ khắc phục được những lỗi sai vì bạn không đủ tập trung hay không theo kịp bài giảng. Nhiều sinh viên tìm cách “lách luật” sẽ phân chia các nội dung để ghi chép luân phiên giữa các thành viên trong nhóm. Nếu bạn đảm bảo sau đó sẽ chăm chỉ ghi chép lại và vẫn tập trung nghe giảng thì đây là một cách ghi chép có thể chấp nhận. Nếu được phát slide bài giảng thì bạn cũng có thể lấy đó làm tài liệu để so sánh với phần ghi chép của mình.
Với những lưu ý trên, chắc hẳn bạn đã tự tin hơn về kỹ năng ghi chép của mình. Kỹ năng ghi chép hiệu quả chỉ có tác dụng khi bạn thực sự áp dụng chúng trong buổi học và biết cách ôn tập ngay sau đó. Đây sẽ là nội dung được Edu2Review chia sẻ đến bạn trong bài viết tiếp theo. Hãy cùng chờ đón nhé!
Khuê Lâm (Tổng hợp)